Tăng sắc tố sau laser có tự hết không? Cách điều trị hiệu quả - Doctor Acnes
Công nghệ laser đang là xu hướng phổ biến được nhiều chị em lựa chọn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp da bắt đầu thâm sạm trở lại sau khi thực hiện laser do tăng sắc tố da. Vậy tăng sắc tố sau laser có tự hết không? Cách điều trị ra sao?
Nguyên nhân da bị tăng sắc tố sau laser
Dựa vào những tác động của laser, người ta phát hiện ra cho dù là loại laser nào thì cũng đều gây tổn thương mô tại nơi chiếu tia dẫn tới hàng loạt phản ứng viêm để sửa chữa.
Chẳng hạn laser xâm lấn (CO2 10600nm, erbium – YAG 2940nm, erbium 1540nm, YSGG 2790nm) tác động vào nước và bóc bay toàn bộ thượng bì, còn những loại laser không xâm lấn (Nd:YAG 1064nm, PDL 585nm) mặc dù tác động có chọn lọc lên melanin nhưng nhiệt lượng tỏa ra lại gây tổn thương cho mô xung quanh.
Khi đó, các tế bào có vai trò trong phản ứng viêm là tế bào keratin, tế bào langerhans, tế bào lympho và bạch cầu trung tính sẽ gửi tín hiệu sinh hóa đến các tế bào hắc tố làm các tế bào này phản ứng lại bằng việc sản xuất hắc tố (melanin).
Như vậy tăng sắc tố sau laser là hệ quả của việc sản xuất melanin dư thừa trong lớp thượng bì hoặc sự phân bố sắc tố melanin bất thường lắng đọng trong lớp trung bì. Cũng có thể hiểu một cách ngắn gọn tăng sắc tố sau laser là một dạng tăng sắc tố sau viêm (post inflammatory pigmentation – PIH).
Mức độ trầm trọng của hiện tượng này được quyết định bởi nhiều yếu tố nội sinh lẫn ngoại sinh, bao gồm:
- Nguyên nhân không thể thay đổi được là nền da bẩm sinh của người bệnh, tăng sắc tố thường xảy ra ở những người có làn da sẫm màu như người châu Á, gốc Tây Ban Nha và người Mỹ gốc Phi có da fitzpatrick loại III (màu da trắng đậm) trở lên.
- Quy trình tiến hành thủ thuật cũng gây ảnh hưởng tới kết quả điều trị như dùng năng lượng quá cao, làm lạnh không đủ, bước sóng ngắn, vì thế để phòng ngừa các biến chứng sau laser nói chung cũng như PIH nói riêng thì đòi hỏi người làm thủ thuật phải là một Bác sĩ Da liễu được đào tạo về laser một cách bài bản.
- Laser xâm lấn dễ gây tăng sắc tố hơn so với laser không xâm lấn vì có tác động lên lớp thượng bì.
- Sau điều trị thì làn da đang ở trong trạng thái “mỏng manh” nghĩa là da rất dễ bị tổn thương bởi tia UV từ ánh sáng mặt trời, nên đòi hỏi chu trình chăm sóc da và tránh nắng cẩn thận. Nếu người bệnh không tuân thủ chống nắng tốt sau điều trị sẽ dễ làm xuất hiện tăng sắc tố sau laser.
Tăng sắc tố sau laser kéo dài bao lâu? Nó có biến mất không?
Thông thường, tăng sắc tố sau laser có thể tồn tại từ 1-2 tháng đến 4-6 tháng sau điều trị. Đa số trường hợp da có khả năng tự phục hồi sau thời gian trên mà không cần bất kỳ can thiệp nào hoặc phải cần tới một phác đồ điều trị từ Bác sĩ để cải thiện nhanh chóng hơn.
Cách điều trị tăng sắc tố sau laser
Nhìn chung, tăng sắc tố sau laser có thể tự phục hồi mà không cần can thiệp, tuy nhiên trong trường hợp cần làm mờ thâm nhanh chóng hơn, có thể dùng các loại thuốc bôi chẳng hạn như hydroquinone, mequinol, retinoid, acid azelaic, niacinamide, acid ascorbic, hoặc thực hiện các điều trị chuyên sâu như peel da, laser, IPL.
Hydroquinone vẫn là thuốc bôi lựa chọn đầu tay khi điều trị PIH, làm giảm quá trình chuyển đổi dihydroxyphenylalanine (DOPA) thành melanin, thường được sử dụng ở nồng độ 2% – 4%. Nên dùng thêm với kem chống nắng hằng ngày và có thể kết hợp với các chất chống oxy hóa như acid ascorbic (vitamin C), retinol và AHA để nâng cao hiệu quả. Tác dụng phụ của hydroquinone bao gồm viêm da tiếp xúc, giảm sắc tố, và đáng lo ngại nhất hiện tượng ochronosis, làm da đổi thành màu xanh đen khi sử dụng lâu dài.
Mequinol (4-hydroxyanisole) là một dẫn xuất của hydroquinone nhưng ít gây kích ứng da hơn, là hoạt chất thay thế hydroquinone trong chế phẩm thuốc bôi trị thâm, sắc tố. Một nghiên cứu trên 61 người bị PIH cho thấy tác dụng của 2% mequinol/0.01% tretinoin không thua kém hydroquinone 4% trong điều trị PIH khi 81% bệnh nhân được điều trị bằng mequinol/tretinoin và 85% bệnh nhân được điều trị bằng hydroquinone đạt được thành công lâm sàng.
Retinoid là các acid dẫn xuất vitamin A cũng là hoạt chất hiệu quả để trị thâm, hoạt động bằng cách tăng cường tái tạo biểu bì, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân tán và loại bỏ hắc tố. Các acid dẫn xuất vitamin A đường bôi trên thị trường bao gồm retinol, retinyl palmitate, tretinoin, isotretinoin, adapalene và tazarotene, trong đó retinol, tretinoin, adapalene là các hoạt chất được dùng thường xuyên nhất. Bên cạnh khả năng mờ thâm thì retinol và tretinoin còn có tác dụng chống lão hóa, trong khi tretinoin và adapalene giúp cải thiện cả tình trạng mụn trứng cá.
Acid azelaic ức chế phục hồi với tyrosinase và các men hô hấp của ty lạp thể, giảm sản xuất các gốc tự do, ức chế enzyme DNA polymerase do đó ức chế quá trình tổng hợp DNA và gây độc tế bào có chọn lọc đối với các tế bào hắc tố tăng hoạt hóa mà không ảnh hưởng đến sắc tố da bình thường.
Một nghiên cứu cho thấy bôi acid azelaic 20% kết hợp với 15% – 20% acid glycolic hoặc bôi acid azelaic 20% hai lần một ngày có hiệu quả tương đương với 4% hydroquinone trong điều trị tăng sắc tố sau viêm. Đồng thời acid azelaic thường được dung nạp tốt hơn với chỉ có tác dụng phụ nhẹ chẳng hạn như ngứa, ban đỏ thoáng qua, đóng vảy và kích ứng, những tác dụng phụ này sẽ biến mất sau vài tuần.
Niacinamide có hoạt tính sinh lý của niacin (vitamin B3), nồng độ 2% – 5% được sử dụng trong điều trị mụn trứng cá và có thể có vai trò trong điều trị rối loạn sắc tố. Các nghiên cứu cho thấy niacinamide làm giảm sự chuyển giao melanosome từ 35% đến 68% mà không ức chế hoạt động tyrosinase hoặc tăng sinh tế bào, đồng thời làm giảm quá trình hình thành hắc tố bằng cách can thiệp vào sự tương tác giữa tế bào sừng và tế bào hắc tố (tức là con đường truyền tín hiệu của tế bào) nhưng không thông qua tác dụng ức chế trực tiếp tế bào hắc tố.
Acid ascorbic (vitamin C) là một chất làm giảm sắc tố ngăn chặn quá trình tổng hợp melanin nhờ đặc tính chống oxy hóa của nó, làm giảm o-dopaquinone (tiền chất của melanin) thành DOPA (3,4-dihydroxy-phenylalanyl) vốn là 1 chất sau quá trình biến đổi bởi enzyme tyrosinase sẽ tạo thành hắc tố melanin.
Tùy vào nhu cầu và loại da để lựa chọn loại vitamin C phù hợp, trong đó acid ascorbic thường không ổn định và bị oxy hóa nhanh chóng trong dung dịch nước, còn ester ascorbate (tetrahexyldecyl ascorbate) đang là một trong những hoạt chất làm đẹp mới hiện nay do tan trong dầu dẫn tới ổn định hơn và thấm vào được lớp da sâu hơn. Nồng độ vitamin C để có tác dụng sinh học cần cao hơn 8%, hiện nay các sản phẩm vitamin C thường có nồng độ 10% – 20%.
Peel da có thể được sử dụng cho mọi loại da vì đã chứng minh được hiệu quả mang lại trong việc mờ thâm. Cần cẩn thận trong việc lựa chọn tác nhân peel da, cụ thể để tránh kích ứng có thể xảy ra vì có khả năng làm trầm trọng thêm tình trạng PIH. Bệnh nhân cũng nên tránh nắng và bôi kem chống nắng để tránh PIH sau khi peel da. Một số tác nhân thường được sử dụng để peel da là acid alpha hydroxy (AHA) như acid glycolic, acid lactic; acid beta hydroxy (BHA) như acid salicylic; acid trichloroacetic (TCA).
Một số loại laser và nguồn ánh sáng khác nhau đã được ứng dụng và chứng minh được hiệu quả trong điều trị tăng sắc tố sau viêm. Các tia laser và ánh sáng IPL ở vùng ánh sáng lục (510nm, 532nm), đỏ (694nm) hoặc cận hồng ngoại (755nm, 1064nm) có thể nhắm mục tiêu có chọn lọc vào các melanosome nội bào chứa đầy hắc tố melanin ở lớp hạ bì vốn là nguyên nhân làm da bị tăng sắc tố.
Bước sóng càng dài như 1064nm thì có thể thâm nhập vào lớp da sâu hơn, có thể khiến cho phân tử melanin bị vỡ ra thành các mảnh nhỏ (melanin granule) nhưng vẫn hạn chế tối đa tác động lên tế bào da bình thường khác. Các tế bào bạch cầu của cơ thể, đặc biệt là các đại thực bào trong da sẽ thu gom các mảnh này để tiêu hủy và đào thải ra khỏi cơ thể. Như vậy, laser tạo điều kiện thuận lợi cho sự dọn dẹp các phân tử melanin ra khỏi làn da, cùng với hoạt động của hệ miễn dịch.
Cuối cùng là trang điểm, biện pháp này được sử dụng để che giấu các vết thâm từ đó góp phần cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân. Một loại mỹ phẩm che phủ tốt (kem nền hoặc phấn phủ) phải tự nhiên, không bóng nhờn, không trong suốt, không thấm nước, lâu trôi và dễ sử dụng.
Nguồn: https://doctoracnes.com/vi-sao-da-bi-tang-sac-to-sau-laser-va-cach-xu-ly/
Bài viết liên quan
Bắn laser trị thâm mụn: Cơ chế, phương pháp và ưu điểm
Tác dụng của tia hồng ngoại đối với da mặt
Cách chăm sóc da sau khi bắn laser giúp phục hồi nhanh chóng
Nhận xét
Đăng nhận xét