Bao lâu lăn kim 1 lần, từng lần cách nhau bao lâu?
Lăn kim, một phương pháp không còn xa lạ trong thẩm mỹ da nhờ các tác dụng mà nó mang lại như điều trị sẹo mụn và trẻ hóa da. Với hiệu quả cải thiện làn da nhanh chóng, phương pháp này đã khiến những ai mê làm đẹp phải phát cuồng và rất dễ bị nghiện. Tuy nhiên, lăn kim nên thực hiện bao lâu một lần hay nói cách khác là từng lần cách nhau bao lâu, có an toàn hay không nếu lăn kim quá thường xuyên, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Phải lăn kim bao nhiêu lần? Mỗi lần lăn kim cách nhau bao lâu?
Theo Bác sĩ Da liễu, da cần có thời gian phục hồi sau mỗi lần điều trị, do đó không thể vì mong muốn đạt kết quả nhanh chóng mà đốt cháy giai đoạn, chưa đủ thời gian để da phục hồi hoàn toàn mà đã tiến hành lăn kim tiếp. Việc này rất nguy hại vì da chưa kịp phục hồi sau lần điều trị cũ đã phải chịu thêm những tác động mới, có thể dẫn đến mất khả năng phục hồi và từ các tổn thương giả trở thành các tổn thương thật.
Khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 lần lăn kim cũng phụ thuộc vào chỉ định, kế hoạch điều trị của Bác sĩ Da liễu, độ nhạy cảm và tuổi của da. Hầu hết khách hàng sẽ cần nhiều hơn một liệu trình lăn kim để đạt được hiệu quả điều trị mong muốn, nhưng vì tình trạng da của mỗi người là khác nhau nên cần phải được thăm khám với Bác sĩ Da liễu để xác định kế hoạch điều trị tốt nhất cho mỗi người.
Ngoài các yếu tố trên, chiều dài kim cũng ảnh hưởng nhiều đến thời gian giữa 2 lần lăn kim. Chiều dài của kim được chọn cho từng bệnh nhân phụ thuộc vào từng tình trạng da và do Bác sĩ Da liễu sau khi thăm khám ra quyết định. Kim càng dài, tác động lên bề mặt da càng nhiều, khoảng thời gian giữa 2 lần lăn càng lâu.
Chiều dài kim 1.5-2 mm thường được áp dụng trong điều trị sẹo mụn hay các vết sẹo khác, thời gian giữa hai lần lăn kim tốt nhất là 4-6 tuần. Trong trường hợp sử dụng con lăn tiêu chuẩn có chiều dài 0.5-1.5 mm và đường kính 0.1 mm, thời gian giữa 2 lần lăn kim là 3-4 tuần nhằm có đủ thời gian cho collagen mới hình thành. Ngoài ra, lăn kim để điều trị lão hóa da và nếp nhăn thì chiều dài kim thường là 0.5 mm đến 1.0 mm và thời gian giữa 2 lần thực hiện tốt nhất là 3 tuần.
FDA cũng đã công nhận và phân chia các loại dụng cụ lăn kim trên thị trường thành 5 loại:
- C-8 (cosmetic type): là dụng cụ lăn kim với chiều dài kim khoảng 0.13 mm, không đau, được sử dụng để tăng cường độ thẩm thấu của các dưỡng chất ngoài da. Có thể sử dụng 2-3 lần/tuần.
- C-8HE: độ dài kim khoảng 0.2 mm và dụng cụ này cũng không tạo ra cảm giác đau.
- CIT-8: độ dài kim khoảng 0.5 mm, giúp tăng sinh collagen và tái tạo da, có thể dùng từ 1-3 lần/tuần.
- MF-8: chiều dài kim khoảng 1.5 mm. Dụng cụ này đi khá sâu vào lớp thượng bì và trung bì, đồng thời phá hủy các bó sợi collagen sẹo, tạo điều kiện cho collagen mới hình thành. Khoảng cách giữa 2 lần lăn kim ít nhất là 3 tuần.
- MS-4: dụng cụ này có chiều dài 1 cm, đường kính 2 cm với 4 dãy kim tổng gồm 96 kim với chiều dài mỗi kim là 1.5 mm. Được sử dụng cho các tình trạng da bị sẹo mụn cần kim xâm nhập vào sâu dưới da. Khoảng cách giữa 2 lần lăn kim được khuyến cáo tối thiểu là 3 tuần.
Chỉ định và chống chỉ định cho liệu trình lăn kim
Lăn kim là phương pháp mà Bác sĩ Da liễu lựa chọn để điều trị nhiều tình trạng da khác nhau. Các chỉ định của kỹ thuật này trong thẩm mỹ y khoa đã phát triển đáng kể, giúp lăn kim sớm trở thành phương pháp điều trị được sử dụng rộng rãi trong da liễu. Cụ thể, lăn kim được chỉ định để điều trị và cải thiện các tình trạng:
- Làn da có sẹo mụn, sẹo sau phẫu thuật.
- Da có nếp nhăn, kết cấu lỏng lẻo, mất đàn hồi.
- Da có dấu hiệu lão hóa, cần trẻ hóa, lỗ chân lông to.
- Lăn kim sẽ giúp thông thoáng lỗ chân lông, cải thiện tình trạng mụn ẩn, mụn đầu đen trên da.
- Lăn kim còn giúp điều trị các tình trạng tăng sắc tố, đốm nâu.
Nhìn chung, điều trị bằng phương pháp lăn kim được y khoa công nhận là phương pháp an toàn và hiệu quả, tuy nhiên vẫn có một số rủi ro nhất định và có một số trường hợp nên cẩn trọng, cần hỏi ý kiến Bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện thủ thuật này:
- Nhiễm herpes môi hoạt động hoặc các nhiễm trùng cục bộ khác trên vùng da điều trị. Những người có tiền sử bị herpes môi cũng tăng nguy cơ tái hoạt lại virus sau điều trị. Ở những bệnh nhân đó, có thể điều trị dự phòng với liệu trình kháng virus uống trong vòng 1 tuần (bắt đầu vào ngày thực hiện lăn kim) để làm giảm thiểu nguy cơ biến chứng.
- Bệnh nhân đang điều trị bất kỳ liệu pháp chống đông máu nào như warfarin, heparin và các loại thuốc uống chống đông máu khác. Sự hiện diện của những loại thuốc này có thể gây chảy máu không kiểm soát được. Những bệnh nhân này nên được kiểm tra các chỉ số đông máu trước khi điều trị để xác nhận rằng họ có tình trạng đông máu/chảy máu bình thường.
- Nhiều bệnh nhân dùng aspirin hàng ngày vì lý do sức khỏe. Nên ngừng dùng aspirin ít nhất 3 ngày trước khi lăn kim.
- Dị ứng với thuốc gây tê cục bộ hoặc thuốc gây mê toàn thân. Những bệnh nhân này nên được đánh giá bởi Bác sĩ trước khi điều trị.
- Bệnh nhân đang hóa trị liệu, dùng thuốc corticosteroid liều cao, hoặc xạ trị. Bệnh nhân đái tháo đường không kiểm soát được.
- Bệnh nhân bị sẹo lồi do vì mọi vết châm chích đều có nguy cơ trở thành sẹo lồi.
Thời gian nghỉ giữa 2 lần lăn kim không những đảm bảo an toàn mà còn giúp tối ưu hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, như đã đề cập trong bài, thời gian giữa các lần lăn kim phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chỉ định, kế hoạch điều trị, độ nhạy cảm, tuổi của da và độ dài kim, vì thế cần có Bác sĩ Da liễu để đưa ra quyết định chính xác nhất đảm bảo hiệu quả điều trị tối ưu.
Nguồn: https://doctoracnes.com/lan-kim-bao-lau-mot-lan-tung-lan-cach-nhau-bao-lau/
Bài viết liên quan
Bao lâu thì lăn kim 1 lần cách nhau bao lâu để không hại làn da
Nhận xét
Đăng nhận xét