Rau má – Một liệu pháp tự nhiên cho làn da mụn?

 Rau má không chỉ là thực phẩm quen thuộc hàng ngày mà còn được sử dụng nhiều trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Các thành phần chiết xuất từ rau má có mặt trong nhiều loại sản phẩm chăm sóc da khác nhau, giúp giảm viêm, lành vết thương, mờ sẹo và chống lão hóa. Bài viết này cung cấp các thông tin về rau má có trị mụn không.

Rau má có trị mụn được không?

Đầu tiên, tác động trị mụn của rau má dựa trên hoạt tính kháng khuẩn với P. acnes đã được nghiên cứu. Chiết xuất với cồn của rau má đã được thử nghiệm về hoạt tính kháng khuẩn bằng phương pháp khuếch tán đĩa. Vùng ức chế của các đĩa có chiết xuất từ rau má cho tác động kháng khuẩn kém với vi khuẩn P. acnes.

Tuy vậy, tác động điều trị và ngăn ngừa mụn của rau má đã được chứng minh thông qua hiệu quả kháng viêm liên quan đến vi khuẩn P. acnes từ thành phần triterpenoid, đặc biệt là madecassoside. Kết quả từ nghiên cứu của tác giả Xueqing Shen và cộng sự cho thấy madecassoside ức chế con đường truyền tín hiệu khởi đầu quá trình phiên mã của các yếu tố tiền viêm, từ đó giảm biểu hiện các yếu tố này và cuối cùng quá trình viêm bị ức chế.

Cách trị mụn bằng rau má hiệu quả, an toàn

Bởi vì hoạt tính kháng khuẩn của rau má đối với các vi khuẩn gây mụn yếu, việc sử dụng rau má trong trị mụn chủ yếu đến từ tác động kháng viêm, dưỡng ẩm da, ngăn ngừa các gốc oxy hóa và làm giảm các hậu quả do mụn gây ra như vết thâm, sẹo mụn. Bên cạnh việc sử dụng rau má đơn trị liệu trong điều trị mụn, có thể sử dụng rau má kết hợp với các thành phần trị mụn khác để đạt được hiệu quả tối ưu và giảm thiểu các tác dụng phụ gây ra bởi các chất có hoạt tính mạnh. Dưới đây là một số gợi ý sử dụng rau má để trị mụn hiệu quả và an toàn.

Sử dụng rau má đơn trị

Nhờ vào các thành phần triterpen, rau má có thể sử dụng đơn trị để điều trị mụn. Madecassoside là thành phần triterpen có nhiều lợi ích cho da như làm lành vết thương, chống viêm do tia cực tím, chống oxy hóa.

Trong điều trị mụn, madecassoside ức chế đáng kể quá trình sản xuất yếu tố tiền viêm (IL-1β) do vi khuẩn gây mụn P. acnes kích thích tiết ra, từ đó ức chế quá trình viêm xảy ra. Bên cạnh đó, madecassoside tăng cường hydrat hóa cho da thông qua việc điều chỉnh tăng cường các thành phần giữ ẩm quan trọng trong da giúp cho làn da khỏe mạnh.

Kết hợp rau má với hoàng bá

Nghiên cứu của Chi-Wen Kuo và cộng sự (2021) đã thử nghiệm miếng dán trị mụn trứng cá với hai lớp gelatin/chitosan với các chiết xuất từ vỏ thân hoàng bá (Phellodendron amurense) và rau má (Centella asiatica).

Kết quả từ nghiên cứu cho thấy miếng dán có tác dụng ức chế hiệu quả sự phát triển của vi khuẩn P. acnes, thúc đẩy khả năng sống của tế bào nguyên bào sợi và quá trình tổng hợp collagen, hấp thu dịch tiết cao và tốc độ giải phóng hoạt chất phù hợp, có nhiều tiềm năng lớn trong ứng dụng trị mụn trứng cá.

Kết hợp rau má với hoạt chất cannabidiol

Tác dụng điều trị mụn trứng cá của cannabidiol đã được nghiên cứu và chứng minh nhờ vào hoạt tính kháng viêm. Tuy nhiên, do hạn chế về các hướng dẫn việc sử dụng hoạt chất này, nhóm tác giả Guy Cohen đã tiến hành nghiên cứu sự kết hợp cannabidiol với các hoạt chất khác, trong đó có Centella asiatica.

Kết quả cho thấy dịch chiết chứa triterpen và cannabidiol giúp tăng hoạt tính kháng viêm và khả năng ức chế sự phát triển của P. acnes hơn so với chỉ sử dụng một trong hai thành phần riêng lẻ.

Kết hợp rau má, xuyên tâm liên và các thảo dược khác trong viên thảo dược

Ở Thái Lan, viên thảo dược đã được ứng dụng trong điều trị mụn trứng cá. Một nghiên cứu của tác giả Chutima Jantarat đã ứng dụng viên thảo dược chứa các thành phần chiết xuất từ rau má, xuyên tâm liên, phương thuốc benchalokawichan và bột vỏ thân cây thanaka, dịch chiết thu được sử dụng để sản xuất gel sau đó được thử nghiệm về các đặc tính hóa lý và hoạt tính chống P. acnes.

Trong ngành mỹ phẩm, rau má mang lại nhiều tác động có lợi cho làn da như làm lành vết thương, mờ sẹo, chống lão hóa, chống oxy hóa, tác động kháng viêm và dưỡng ẩm da. Kết quả từ các nghiên cứu khoa học đã công bố, rau má là thành phần tiềm năng để điều trị mụn nhờ vào tác động kháng viêm liên quan đến vi khuẩn P. acnes và cung cấp nước cho da, giúp xây dựng hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh. Tuy nhiên, hiệu quả điều trị mụn của rau má vẫn chưa đủ hiệu quả và công nhận bởi các Hiệp hội Da liễu uy tín.

Phòng Khám Da Liễu Doctor Acnes:

  • Địa chỉ: 283/34 Cách Mạng Tháng 8, P.12, Q.10, Thành phố Hồ Chí Minh.

  • Hotline: 07 0838 0878.

Nguồn: https://doctoracnes.com/rau-ma-co-tri-mun-duoc-khong/


Nhận xét

Bài đăng phổ biến