Peel da trị thâm mụn: Tác dụng và ưu điểm - Doctor Acnes
Thâm mụn là một trong những biến chứng phổ biến khi điều trị mụn trứng cá. Hiện nay có rất nhiều phương pháp dùng để điều trị thâm mụn như peel da, laser, IPL, lăn kim, mesotherapy… Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng Doctor Acnes tìm hiểu về cơ chế tác dụng và hiệu quả của phương pháp peel da trị thâm mụn nhé.
Phương pháp peel da trị thâm mụn
Các hoạt chất được sử dụng trong peel da trị thâm mụn
Peel da là liệu pháp sử dụng các tác nhân acid hữu cơ làm bong tróc tế bào chết và loại bỏ những tổn thương trên bề mặt da.
Peel da hóa học có thể được phân thành 4 cấp độ, tùy thuộc vào mức độ xâm nhập của tác nhân peel bao gồm peel da rất nông, peel da nông hay peel da bề mặt, peel da trung bình và peel da sâu. Peel da hóa học được sử dụng phổ biến trong điều trị mụn trứng cá, thâm mụn, sẹo mụn, giúp trẻ hóa da và làm mờ thâm nám.
Trong điều trị thâm mụn, liệu pháp peel da bề mặt cho tác động trên lớp biểu bì là thường được sử dụng nhất, có tỷ lệ dung nạp và mức độ hiệu quả cao. Acid glycolic, acid mandelic, acid lactic thuộc nhóm acid alpha hydroxy (AHA) và acid salicylic hay beta hydroxy acid (BHA) nồng độ từ 20 – 30% là những tác nhân thường gặp trong điều trị thâm mụn.
Trong đó phổ biến nhất là acid glycolic và acid salicylic. Acid glycolic có tác dụng ly giải biểu bì, làm phân tán sắc tố melanin ở lớp đáy và kích thích tổng hợp collagen. Sau khi peel da với acid glycolic, cần trung hòa lại acid với natri bicarbonate để làm ngừng quá trình peel.
Trong khi đó, acid salicylic tác động theo cơ chế phá vỡ liên kết giữa các tế bào sừng từ đó làm bong tróc tế bào chết, kích thích tái tạo da. Sau khi peel da bề mặt với acid salicylic không cần trung hòa lại với kiềm.
Ngoài ra, trong peel da bề mặt còn có thể sử dụng acid trichloroacetic hoặc dung dịch Jessner. Cả hai tác nhân này đều cho hiệu quả trong điều trị nám da tuy nhiên bằng chứng lâm sàng ủng hộ việc sử dụng các tác nhân này đối với PIH ở da mụn còn thiếu.
Hiệu quả của liệu pháp peel da trị thâm mụn
Một nghiên cứu tiến hành trên 25 bệnh nhân có làn da tối màu, tình trạng da có mụn kèm thâm mụn, dầu nhờn và lỗ chân lông to được điều trị peel da với acid salicylic nồng độ 20 – 30% theo chu kỳ mỗi 2 tuần, kéo dài trong 3 tháng.
Kết quả cho thấy, da không chỉ cải thiện mụn, bớt dầu nhờn mà 80% bệnh nhân còn có tình trạng cải thiện thâm mụn rõ rệt. Ngoài ra, peel da bề mặt với acid salicylic còn cho thấy tỷ lệ dung nạp tốt, chỉ có 16% bệnh nhân gặp phải một số tác dụng phụ mức độ nhẹ, tự phục hồi mà không cần điều trị sau 7 – 14 ngày như khô da, bong vảy, rối loạn sắc tố tạm thời.
Một nghiên cứu khác tiến hành trên 24 bệnh nhân châu Á có tình trạng da thâm mụn, được điều trị peel da với 30% acid salicylic mỗi 2 tuần trong vòng 3 tháng. Kết quả cho thấy, peel da với acid salicylic cho hiệu quả giảm thâm ngay từ lần peel đầu tiên và cải thiện thâm mụn rõ rệt sau 3 tháng điều trị, hơn 90% bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị.
Một nghiên cứu tiến hành trên 44 bệnh nhân so sánh hiệu quả điều trị thâm mụn và sẹo mụn giữa peel da hóa học bằng acid glycolic 35% với peel da bằng acid salicylic 20% kết hợp với 10% acid mandelic.
Kết quả sau 6 đợt điều trị, mỗi đợt cách nhau 2 tuần, cả hai đều có tác dụng tuy nhiên acid salicylic kết hợp với acid mandelic cho hiệu quả trong điều trị mụn và giảm thâm mụn tốt hơn acid glycolic, ngoài ra cũng ít tác dụng phụ hơn.
Một số lưu ý khi thực hiện phương pháp peel da trị thâm mụn
Để có thể lựa chọn đúng tác nhân peel và nồng độ hoạt chất cho phù hợp, peel da cần được tiến hành tại Phòng khám chuyên khoa Da liễu dưới sự kiểm soát và theo dõi điều trị của Bác sĩ.
Một liệu trình điều trị thâm mụn bằng peel da hóa học cần nhiều đợt điều trị, số lần tùy thuộc vào tình trạng thâm của da nhưng thường kéo dài vài tháng, do đó bệnh nhân cần kiên trì và tuân thủ điều trị để đảm bảo kết quả tốt nhất.
Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp phải sau khi peel bao gồm da mẩn đỏ, bỏng rát, kích ứng, bong tróc, đóng vảy. Ngoài ra, còn có một số biến chứng khác hiếm gặp hơn bao gồm tái nhiễm virus Herpes, hình thành sẹo lồi, rối loạn sắc tố da.
Trên thực tế, mặc dù được chỉ định để điều trị thâm mụn, peel da hóa học vẫn có khả năng gây tăng sắc tố da nếu hoạt chất peel gây kích thích quá trình viêm. Thường tình trạng này chỉ gặp phải nếu sử dụng hoạt chất peel mạnh, nồng độ cao.
Trong điều trị thâm mụn, peel da chỉ ở mức độ bề mặt nên thường an toàn và có tỷ lệ dung nạp cao, kể cả ở làn da tối màu (thuộc loại IV đến VI theo phân loại của Fitzpatrick – loại da có tỷ lệ gặp phải nguy cơ tác dụng phụ cao nhất).
Sau khi peel da, điều quan trọng nhất cần thực hiện để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh làm trầm trọng thêm tình trạng thâm là hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nhất là trong tuần đầu tiên sau khi peel và phải sử dụng kem chống nắng phổ rộng với SPF tối thiểu 30 mỗi ngày.
Thâm mụn là tình trạng tăng sắc tố da, biểu hiện bằng các đốm nâu tối màu tại vùng da bị tổn thương bởi mụn trứng cá. Peel da hóa học là một trong những liệu pháp hiệu quả cao thường được dùng để điều trị tại Phòng khám. Tác nhân sử dụng peel da trong điều trị thâm mụn thường là acid glycolic và acid salicylic.
Peel da hóa học với hai tác nhân này đã có nhiều nghiên cứu chứng minh hiệu quả trong điều trị thâm mụn và có mức độ an toàn cao. Mặc dù là phương pháp khá an toàn, nhưng để đảm bảo hiệu quả điều trị bệnh nhân cần tuân thủ theo những lưu ý của Bác sĩ Da liễu và tránh nắng kỹ sau điều trị để có kết quả tốt nhất.
Nguồn: https://doctoracnes.com/dieu-tri-tham-mun-bang-phuong-phap-peel-da-hoa-hoc/
Bài viết liên quan
Nhận xét
Đăng nhận xét